Thông tin tuyên truyền
![]() |
Bộ Y tế khuyến cáo phòng dịch sốt xuất huyết Ebola
Hơn 1.200 trường hợp được ghi nhận nhiễm vi rút Ebola, trong đó có 672 trường hợp tử vong tại 03 nước vùng Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Trước thực tế đó, Bộ Y tế khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Ebola để người dân chủ động phòng chống.
![]() Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, bệnh do virus Ebola (Ebola virus disease), từng được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola (Ebola haemorrhagic fever), là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người với tỷ lệ lên đến 90%. Đáng chú ý, virus Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới. Virus Ebola còn lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút (quẩn áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng). Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Theo Cục Y tế Dự phòng, hiện chưa có vaccien phòng bệnh do virus Ebola. Vì vậy, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do virus Ebola. Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh; không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.
Nguồn: Chinhphu.vn |
|